Pha trà, biết tâm tính
Nhiều người lầm tưởng, pha trà là phương pháp kỹ thuật, hay cách biểu diễn sự điêu luyện của mình với trà. Nhưng dưới góc nhìn của tác giả, pha trà ở đây là cách để lắng đọng chính mình.
Pha trà là thả lỏng tâm tình, an tĩnh chờ ấm nước được đun sôi trên kệ bếp, là khi nghe tiếng nước sôi, thấy bọt sủi gợn lăn tăn bên trong ấm mà nhận định được nhiệt độ nước đã thích hợp chưa.
Bởi chỉ có toàn tâm để ý mới có thể thấu hiểu được tiếng reo của nước cũng giống như lắng nghe được tâm tình của chính mình. Và cũng chỉ có để tâm, thông qua bọt sủi của nước mà người pha mới có thể đoán định nhiệt độ, giống như chính mình quan sát thế thái nhân tình mà ngộ ra bản thân.
Pha trà là gột rửa tâm hồn, như cách mà người pha trà tráng qua ấm và chén vậy. Quan sát từng dòng nước mang theo làn hơi trắng gợn nhẹ như làn sương sớm, dần dần trút lên ấm trà rồi rót vào chén quân, sau đó, người pha dùng kẹp gắp đổ nước đi. Đó chẳng phải giống như tâm ta tự buông xuống những gì không thuộc về mình.
Mấy ai hiểu, chọn trà cũng là cách để tự hiểu bản thân. Chỉ có bản thân mới biết được mình muốn uống loại trà nào. Đó có thể là vị chát (mang ngũ hành Mộc) giúp bản thân nhân từ hơn, hay vị đắng (của ngũ hành Hỏa) giúp lan tỏa yêu thương. Vị hậu ngọt (thuộc ngũ hành Thổ) sẽ giúp tâm kiên định hơn, vị the thanh (thuộc ngũ hành Kim) đem đến sự quyết đoán ở thời khắc quan trọng, hay là vị đậm đà (thuộc hành Thủy) giúp bản thân trở nên uyển chuyển hơn.
Đây cũng là cách để thể hiện đức tính của một người trong Ngũ đức Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín. Theo tác giả, có lẽ cách chọn trà cũng giống như tự nhìn lại chính mình, tự cảm nhận bản thân, tự đúc kết sau những nếm trải trong cuộc đời.
Trước khi nếm trà, việc đầu tiên là cảm nhận hương trà khi cầm chén trà trên tay, cảm nhận hương thơm nhè nhẹ lan tỏa quanh miệng chén. Để cảm nhận được, buộc người uống trà phải buông bỏ những phiền muộn trong tâm, những chấp nhất trong lòng. Tâm phải tĩnh hạ, định thần thì mới có thể thưởng thức đầy đủ được sắc – hương – vị – tượng của trà.
Uống trà, biết ý vị
Nhìn lá trà chìm nổi trong làn nước, hòa mình vào quá trình thẩm ngấm, mới có thể cho ra những chén trà thơm ngát. Người biết thưởng thức trà không chỉ nhìn vào sắc, cảm nhận bằng hương mà còn đọc được ý vị nhân sinh thông qua chén trà.
Nếu so sánh với nhân sinh thì cũng giống một người phải chịu đựng ba chìm bảy nổi, vẫn có thể gượng dậy đứng vững trên đôi chân của mình, rồi tiếp tục đi tiếp trên con đường mình đã chọn.
Tục ngữ có câu: “Bảo kiếm được rèn từ lửa đỏ, hương mai được dưỡng từ tuyết sương”. Nghĩa là từ một khối kim loại dày thô, trải qua bao nhiêu lần vui mình trong lò nhiệt, rồi chịu bao nhiêu lần búa nên lên thân, mài mình trên đá mới có thể trở thành một cây bảo kiếm.
Hay như hoa mai vươn mình trong gió đông, nở sớm nhất trong các loài hoa, giữa tuyết dày vẫn ngạo nghễ, tỏa hương thơm khiến lòng người lay động. Mãn Giác Thiền Sư, một vị thiền sư thời Lý Trần đã làm một bài thơ trác tuyệt về hoa mai, trong đó có hai câu xứng danh tuyệt bút:
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”
(Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai)
Cũng giống như trà, để có thể trở thành một chén trà ngon trên tay, búp trà đã phải trải qua biết bao mưa nắng, rồi chịu nằm trên nhiệt để sao, cuối cùng vẫn phải trải qua dòng nước nóng mới có thể thật sự phóng xuất hết hương vị của mình.
Người thưởng thức một thanh bảo kiếm, một cành mai đẹp, một tách trà thơm đều có thể hết mực tán thán nhưng mấy ai có thể cảm nhận được để có được điều đó phải trải qua bao nhiêu đắng cay gian khổ.
Giống như một người khi đã đạt được thành công, sẽ có rất nhiều người ngưỡng mộ, nhiều người tán dương nhưng liệu có bao nhiêu người thấu hiểu được nghịch cảnh mà họ phải vượt qua, những lần cô độc chơi vơi với chính mình.
Như Tào Tháo xưa bị mang danh “gian hùng” lập nghiệp từng bị bao nhiêu người ghét bỏ, nhưng nếu không có những vị tướng tài trung tâm với mình, liệu Tào Tháo có giữ vững cơ nghiệp? Đến Lưu Bị nổi danh là người nhân nghĩa, có không ít nghĩa nhân sĩ theo phò vậy mà cũng có không ít kẻ thù.
Sống ở đời, muốn làm việc lớn thì không nên quan tâm đến cái nhìn của người khác, mà chỉ cần tập trung vào việc của mình, đạt được mục tiêu mà mình mong muốn. Giống như uống trà, chỉ có chính mình thưởng thức mới cảm nhận được ý vị, trà đắng hay ngọt, nóng hay nguội.
Nhưng điều quan trọng nhất chính là không đánh mất bản ngã của mình, có khối thép nào khi thành bảo kiếm không còn là thép, có hoa mai nào nở rộ trong gió đông mà phai tàn hương sắc, có búp trà nào mất đi vị đắng đầu môi hay vị ngọt hồi vị.
Luận trà, biết tâm tư
Có một câu chuyện kể rằng, trong một lần rảnh rỗi, hai vị cao nhân ngồi uống trà với nhau. Nhìn bạn trà cặm cụi pha nước, người này hỏi: “Ngài cảm thấy trà ở tuần nước nào thì uống ngon nhất?”
Người kia trầm ngâm một lúc lâu, tựa như rất nghiền ngẫm về câu hỏi của bạn trà. Sau một hồi suy nghĩ, người đó trả lời:
“Tuần nước thứ nhất, tựa như gió thoảng
Tuần nước thứ hai, tựa như dòng xuân xanh
Tuần trà thứ ba, tựa như ánh trăng chiếu rọi…”
Mỗi một tuần nước, hương vị trà đều có sự khác biệt. Qua nhiều lần đắn đo, cân nhắc, chung quy lại, hai người bạn trà lâu năm ấy vẫn chưa tìm được đáp án cho câu trả lời: “Trà ở tuần nước nào thì uống ngon nhất?” trong khi đó, họ đã bỏ lỡ việc thưởng thức trà ở thời điểm nên thưởng thức nhất.
Đức Phật dạy: Sinh mạng nằm trong từng hơi thở của hiện tại. Tiếc rằng, nhiều người mãi ngoái đầu về quá khứ, mang theo những hối tiếc, hoài niệm đôi khi là một chút ân hận; nhiều người lại mãi nhìn về tương lai, mong chờ những điều tốt đẹp hay mãi đi kiếm tìm những điều gì đó hơn nhất.
Thế nhưng, cuộc sống cũng như việc thưởng trà. Chỉ có chén trà trên tay là trọn vị nhất, ta không cần quan tâm đến việc đây là lần đầu tiên hay thứ mấy, cũng chẳng biết lần tiếp theo sẽ đem đến vị gì. Bởi vị sẽ luôn luôn biến đổi, chí ít rất nhiều điều sẽ tác động đến lần pha tiếp đó.
Quá khứ đã qua không thể thay đổi được, tương lai bất định không thể đoán định được, chỉ có hiện tại là đang nằm trong tay mỗi người. Đời người, việc gì cần nói thì nhất định phải, việc gì nên im lặng thì hãy học cách im lặng. Đó là một loại thông minh.
Đời người, việc gì cần làm thì hãy nên làm, việc gì cần lui thì hãy lui đúng lúc. Đó là một loại trí tuệ.
Đời người, điểm gì cần lộ thì hãy hé lộ, điều gì cần giấu thì nhất định phải giấu kỹ. Đó là một loại cảnh giới.
Nếu không hạnh phúc, không vui sướng, hãy học cách buông bỏ. Nếu buông không được, hãy học cách chấp nhận đau khổ.
Mọi thứ tốt đẹp trên cuộc đời đều như pháo hoa, như mây gió, như pha lê và ai đó đã nói rằng: “Pháo hoa chóng tàn”, “mây thường trôi nhanh”, “còn pha lê thì dễ vỡ”.
Tận cùng của nỗi nhớ chính là sợ lãng quên; tận cùng của yêu thương chính là xa rời’ tận cùng của mộng đẹp chính là tỉnh giấc. Có vui, có buồn, có đắng, có ngọt, đó cũng chính là cuộc sống.
Đời người thực ra không khác việc thưởng trà cho lắm. Một chén trà ngon, ban đầu có để lại chút vị chát trên môi, chút vị đắng nơi cuống họng; nhưng sau đó sẽ hồi vị ngọt lan tỏa cả thân tâm. Cái vị ngọt đó không phải lúc sơ chế mà thêm vào, cũng không phải khi pha trà mới thêm tiếp, mà bản thân trà phóng xuất vị ngọt bên trong nó.
Trên đây là bài viết về trà của Nhà Nghiên cứu văn hóa phương Đông- Nguyễn Hữu Hồng Kỳ, Chủ tịch Hong Ky Tea đã được đăng tải trên báo doanhnhan.one.
Cảm ơn quý báo Doanhnhan đã đăng tải bài viết trên trang.